Mục lục bài viết
Rối loạn tiêu hoá – Ngộ độc thực phẩm
Các bà nội trợ thường có xu hướng mua sắm nhiều thực phẩm cho ngày Tết. Tâm lý này xuất phát từ việc vào dịp Tết, các cửa hàng, siêu thị, chợ đều ngừng hoạt động mà các gia đình còn cần tiếp đãi khách đến nhà. Tuy nhiên, nếu bảo quản thực phẩm không đúng cách như nấu đi nấu lại nhiều lần, để thực phẩm sống chín lẫn lộn gây nhiễm khuẩn,… có thể gây đau bụng khi ăn.
Không chỉ vậy, việc bảo quản thức ăn vào dịp Tết còn làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm do các đặc thù về thời tiết tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển như:
- Thời tiết mưa phùn, ẩm ướt của miền Bắc làm các loại hạt có dầu (hướng dương, đậu phộng, hạt dưa,…) bị nấm mốc.
- Thời tiết nóng, nhiệt độ cao ở miền Nam khiến các sản phẩm nhiều đạm (thịt, cá, tôm, cua) dễ ôi, thiu.
Những điều này kết hợp với thói quen ăn uống thất thường trong ngày Tết như ăn quá nhiều, ăn không đúng bữa, uống nhiều rượu bia, ăn nhiều thịt cá, ít rau quả… dễ gây ra rối loạn tiêu hoá.
Bảo quản thực phẩm Tết không đúng cách dễ gây ngộ độc thức ăn
Tăng nguy cơ béo phì
Thực phẩm trong ngày Tết đều thuộc nhóm giàu đạm, chất béo và tinh bột như bánh chưng, bánh tét, thịt kho trứng, chả/giò, bánh mứt, nước ngọt,… có năng lượng rất cao. Trong khi đó, vào dịp Tết, mọi người có thời gian nghỉ ngơi dài ngày, ngừng làm việc và lao động nên nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm so với ngày thường.
Ngoài ra, việc tiêu thụ thức ăn liên tục và chớp nhoáng trong các bữa tiệc đầu năm sẽ khiến bạn ăn nhiều hơn bình thường. Lý do của vấn đề này là: Khi ăn nhanh, bộ não không có đủ thời gian ghi nhận và báo hiệu rằng bạn đang no, dẫn đến việc bạn càng ăn nhiều hơn.
Một tác hại của ăn uống không điều độ ngày Tết chính là thói quen uống nhiều bia rượu, nước ngọt trong các bữa tiệc Tết. Nước ngọt có nhiều đường, rượu chứa nhiều calo làm giảm khả năng ức chế của cơ thể và khiến bạn ăn nhiều hơn.
Đây là các lý do làm tăng nguy cơ tăng cân, béo phì khi ăn uống không điều độ vào ngày Tết.
Chuyển biến nặng với bệnh mạn tính
Các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo: Các loại thực phẩm Tết và thói quen ăn uống không điều độ trong thời gian này sẽ gây chuyển biến nặng với người mắc bệnh mạn tính như gan, tiểu đường, tim mạch, bao tử,…
Một số món ăn Tết phổ biến như chả giò không tốt cho người mắc bệnh tim mạch
Chẳng hạn như người cao huyết áp cần tránh ăn mặn, người có bệnh tiểu đường không nên uống nước ngọt, ăn bánh mứt, người có bệnh gan phải hạn chế bia rượu, người mắc bệnh tim mạch cần tránh thức ăn quá nhiều dầu mỡ, người đau bao tử nên ăn đúng giờ với lượng thức ăn vừa phải,… Tuy nhiên, vào dịp Tết, tâm lý “vui là chính” dễ làm bạn quên mất bệnh đang mang trong người và ăn uống quá đà với thời gian biểu đảo lộn làm bệnh tình nặng hơn.
Tết là thời điểm nghỉ ngơi và thả lỏng cơ thể sau một năm dài làm việc vất vả. Nhưng càng vì vậy bạn càng phải giữ nhịp sinh hoạt và ăn uống hợp lý để tránh những tác hại của ăn uống không điều độ ngày Tết và làm Tết mất vui nhé.