Mục lục bài viết
Dù lựa chọn ăn uống, thay đổi khẩu phần ăn như thế nào thì các bà nội trợ cần đảm bảo sự cân bằng trong thực đơn dinh dưỡng cho gia đình bằng việc ăn đầy đủ 6 loại dưỡng chất, bao gồm: carbohydrates (tinh bột), chất béo, protein, vitamin, khoáng chất và nước.
Từ đó, bạn có thể lựa chọn những nhóm thực phẩm tương ứng. Đặc biệt nên chọn thực phẩm đúng mùa sẽ giảm lượng thuốc kích thích và thuốc bảo vệ thực vật có hại cho sức khỏe tồn dư trên thực phẩm. Một số loại thực phẩm sau được "tín nhiệm" trong thời điểm giao mùa dễ mệt mỏi này.
Các thực phẩm mọng nước và chứa nhiều vitamin C
Vitamin C là yếu tố quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng. Đặc biệt những người bị sốt, trẻ nhỏ và người già sức đề kháng yếu dễ sinh bệnh trong thời tiết giao mùa, vì vậy bổ sung vitamin C là điều thiết yếu.
Nước cũng là một thực phẩm tốt khi giao mùa. Bổ sung 2 lít nước/ngày. Nếu mùa đông cơ thể không hoạt động nặng, sự tăng tiết mồ hôi giảm thì bạn có thể giảm lượng nước cho cơ thể một chút, còn mùa hè, để đối phó với cái gắt gao, thay đổi bất chợt của thời tiết thì cần bổ sung đủ lượng nước theo khuyến cáo. Loại nước tốt nhất là nước ép hoa quả, nước lọc, nước vối và trà xanh.
Hoa quả nào cũng có vitamin C, tuy nhiên lượng vitamin c từ cam, chanh, bưởi… là tốt và nhiều nhất để bổ sung sự thiếu hụt cho bạn. Nếu ngày thường bạn chỉ cần ăn khoảng 200 g trái cây này, thì nay phải tăng lên gấp rưỡi mới đáp ứng đủ nhu cầu kháng bệnh.
Bổ sung tinh bột từ ngô và bí ngô. Đây là loại thực phẩm giàu beta carotene, chất này sẽ chuyển hóa thành vitamin A khi được hấp thụ vào cơ thể. Chúng còn chứa nhiều magiê, kali và phốt pho giúp bạn tăng cường hệ tiêu hóa, chứa chất xơ không hòa tan nên có tác dụng hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn có lợi cho ruột già khiến nhu động ruột tốt, hạn chế khả năng táo bón và hấp thu các thực phẩm khác dễ dàng hơn.
Một số “siêu thực phẩm” nên ăn thường xuyên để tăng cường sức khỏe, kháng bệnh
Bưởi: Vỏ ngoài của bưởi chứa nhiều tinh dầu, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và trị cảm cúm, thường được dùng trong liệu pháp nồi nước xông giải cảm. Nước bưởi chứa nhiều chất bổ dưỡng như các loại đường trái cây, đạm, béo, acid tannic, beta-caroten và các chất khoáng như phospho, sắt, canxi, kali, magiê, các vitamin B1, B2…
Ngoài ra, vỏ bưởi còn chứa nhiều flavonoid như naringosid, hesperidin, diosmin, diosmetin, hesperitin... có tác dụng bảo vệ thành mao mạch, giảm tính thấm, giúp cho mao mạch đàn hồi và bền vững hơn, từ đó ngăn ngừa tai biến do vỡ các mao mạch, gián tiếp giúp hạ huyết áp, ngăn ngừa tai biến mạch máu não, một trong những căn bệnh rất nguy hiểm.
Tỏi: Tỏi từ lâu đã được biết đến như một loại kháng sinh chống cảm cúm… Và ngày nay, các nghiên cứu phát hiện ra trong tỏi có selen, các nguyên tố vi lượng chứa kháng khuẩn alliin có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, làm giảm huyết áp nên rất thích hợp dùng trong lúc thời tiết chuyển mùa.
Mật ong: Từ lâu mật ong đã được coi là một loại “thần dược” chữa bệnh, trong đó có tác dụng chữa cảm cúm và các bệnh về đường tiêu hóa. Pha 2 thìa cà phê mật ong vào ly nước ấm uống vào mỗi buổi sáng sẽ giúp nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể và làm sạch đường ruột, từ đó có thể phòng chống bệnh cảm cúm và các bệnh rối loạn tiêu hóa hiệu quả.
Trà: Những người uống 5 tách trà đen mỗi ngày, liên tục trong vòng 2 tuần có khả năng kháng lại các loại vi rút xâm nhập vào thân thể gấp 10 lần so với những người không có thói quen này. Vì các amino axit có trong trà có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch nhanh chóng giúp bạn luôn có được sức khỏe dồi dào.