Mục lục bài viết
Uống đủ nước mỗi ngày
Người cao tuổi thường ngại uống nước và thường uống khi rất khát. Nhưng thực tế nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, cơ thể con người đủ nước sẽ hỗ trợ hệ bài tiết đào thải các chất cặn bã, giúp cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, làm việc hiệu quả hơn. Tức là hệ miễn dịch sẽ sớm phát hiện và tiêu diệt mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Người cao tuổi nên uống đủ nước, uống nước ngay cả khi không khát.
Không chỉ uống nước lọc, người lớn tuổi có thể uống theo sở thích các loại nước trái cây, sữa. Tuy nhiên không nên dùng các đồ uống có chất kích thích như cà phê… Cần đảm bảo ăn chín uống sôi, đủ chất. Ngoài ra, không nên dùng các loại nước lạnh mà cần uống ấm. Việc uống nước ấm thường xuyên ngay khi chưa khát được khuyến cáo giúp cổ họng không bị khô. Góp phần phòng tránh COVID-19
Ăn các loại thực phẩm giàu đạm
Điều này được khuyến cáo không chỉ với người cao tuổi mà tất cả mọi người. Bởi hệ miễn dịch được xây dựng phần lớn từ chất đạm mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Với người lớn tuổi nên ưu tiện các loại chất đạm dễ tiêu hóa, có đầy đủ các acid amin thiết yếu. Các loại thực phẩm giàu đạm ít chất béo như ức gà, thịt bò, cá hồi, tôm, trứng gà, sữa…
Ngoài ra, để kích thích vị giác hơn có thể bổ sung các loại rau, củ, gia vị vào món ăn. Chẳng hạn, tăng cường sử dụng hành, tỏi, gừng, sả, chanh và các loại rau thơm nhiều hóa thực vật và tinh dầu (bạc hà, kinh giới, tía tô…) trong các bữa ăn hàng ngày vì những thực phẩm này có tính kháng khuẩn cao. Việc chú ý tới khẩu vị, sở thích sẽ giúp người cao tuổi ăn ngon miệng, ăn đủ số lượng. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày.
Ăn đa dạng các loại thực phẩm nếu không mắc bệnh mạn tính.
Bổ sung vitamin và khoáng chất cũng giúp phòng tránh COVID-19
Nguồn vitamin, khoáng chất tốt nhất là từ rau xanh và hoa quả tươi giúp cho hệ thống miễn dịch hoạt động tích cực và hiệu quả tối ưu. Cụ thể, vitamin C giúp tăng sản xuất interferon (tiêu diệt virus qua việc ức chế nhân bản) và kháng thể; hỗ trợ tăng sinh các bạch cầu lympho trong máu cũng như tăng khả năng – hoạt tính các đại thực bào… Vitamin nhóm B hỗ trợ chuyển hoá chất đường, tổng hợp protein…. Vitamin A giúp xây dựng hàng rào phòng thủ, tái tạo, phục hồi niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu bị tổn thương. Vitamin D để chuyển hoá canxi cho các hoạt động của tế bào…
Chính vì thế, người mắc bệnh mạn tính nên ăn đa dạng thực phẩm, xây dựng khẩu phần hợp lý và lưu ý tăng cường các loại rau xanh, trái cây.
Một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng giúp người cao tuổi phòng tránh COVID-19
– Nếu không có bệnh nền hay lưu ý gì khác về sức khỏe, người cao tuổi nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm, không nên ăn kiêng. Đặc biệt, để tăng đề kháng phòng tránh COVID-19, hãy ăn đa dạng các loại thực phẩm, thực phẩm nhiều màu sắc và dinh dưỡng phong phú. Cố gắng ăn không dưới 15 loại thực phẩm mỗi ngày, kể cả gia vị.
– Hạn chế các đồ dầu mỡ, đồ chiên rán, đồ ngọt. Thực ra, những thực phẩm này cung cấp nhiều năng lượng nhưng gây đầy bụng khó tiêu. Và về bản chất nó không cung cấp đủ đạm và các vitamin cần thiết cho hệ miễn dịch của cơ thể.
– Cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các loại thịt, cá, trứng phải được nấu chín hoàn toàn. Để riêng thực phẩm sống, chín. Thực phẩm tươi chưa sử dụng phải cất ngăn đá tủ lạnh. Thực phẩm đã nấu chưa ăn ngay phải cất ngăn mát tủ lạnh. Hạn chế ăn đồ ăn nhanh, ăn ngoài hàng quán. Lưu ý rửa tay trước và sau khi ăn.
– Hạn chế bia rượu, tiệc tùng, tụ tập đông người nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng cần duy trình lối sống lành mạnh như ngủ đủ giấc, vận động nhẹ nhàng mỗi ngày và luôn giữ cho tinh thần được lạc quan, vui vẻ. Điều này không chỉ giúp người cao tuổi tăng đề kháng phòng tránh COVID-19 mà còn có một cơ thể khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ.