Dinh dưỡng hợp lý thời Covid-19

Ngày đăng: 12-08-2020 08:53 | Danh mục: Sức khỏe dinh dưỡng
Dịch Covid-19 tại nước ta đang dần được kiểm soát nhưng diễn biến còn nhiều phức tạp, không thể chủ quan, do vậy với mỗi người dân việc quan tâm đến chế độ dinh dưỡng thời điểm này là rất cần thiết nhằm nâng cao sức khỏe, hạn chế bệnh tật tấn công.

Chế độ ăn đa dạng

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để có cơ thể khỏe mạnh, điều đầu tiên mỗi người cần làm là có chế độ ăn đủ năng lượng và chất đạm. Tốt nhất là ăn đa dạng thực phẩm với số lượng cụ thể trong tháp dinh dưỡng cho người Việt Nam.

Ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho rằng, cơ thể cần cung cấp đủ chất đạm (protein) cho cơ thể, vì đây là nguyên liệu quan trọng để tạo nên các kháng thể. Người dân cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu protein động vật (như các loại cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa...) và protein thực vật (từ các loại đậu, đỗ…).

Cũng theo ông Tuyên, cơ thể mỗi người cần cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết, như vitamin A, C, D, E, Sắt, Kẽm, Selen, đây là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cũng khuyến cáo người dân cần tăng cường sử dụng một số thực phẩm/gia vị chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như: Tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển… giúp kích thích hệ thống miễn dịch thông qua kích hoạt các cytokin, hoạt hóa đại thực bào để thực hiện chức năng miễn dịch.

Bên cạnh việc cần thiết bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết, chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cần hạn chế các thực phẩm chứa nhiều axit béo như thịt nướng, thịt hun khói, các món quay, rán; các thực phẩm chế biến công nghiệp, đóng gói sẵn như đồ hộp, thịt nguội, các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá và các loại thức ăn bị nấm mốc vì các thực phẩm nói trên có thể gây viêm trong cơ thể và làm suy yếu hệ thống miễn dịch.

Song song với việc bổ sung các chất dinh dưỡng, chuyên gia cũng cho rằng, việc bổ sung nước vào cơ thể là rất cần thiết. Theo đó, cơ thể hàng ngày cần khoảng 2- 2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước mất qua các con đường khác nhau.

Việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý có tác dụng nâng cao sức đề kháng, hạn chế sự tấn công của dịch bệnh

Chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không được để miệng và cổ họng khô; cần uống nước sạch, nước đun sôi để nguội, uống chậm, uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày ngay cả khi không khát; không uống nước bị đun đi đun lại nhiều lần; không uống nước nhiều trước khi đi ngủ; không nên uống nước ngọt thay cho nước lọc.

Về việc nhiều người dân lạm dụng sử dụng Vitamin C mùa dịch với suy nghĩ nâng cao sức đề kháng, bác sỹ Bùi Thị Nhung, Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, nhu cầu vitamin C khuyến cáo cho người trưởng thành là 100 mg/ngày. Nếu tính cả sự hao hụt qua quá trình chế biến (tới 50%), cũng chỉ cần 200 mg/ một ngày.

Theo bác sỹ Nhung, vitamin C có rất nhiều trong các loại rau như rau cải ngọt, súp lơ, rau dền đỏ, rau đay và các loại quả chín nói chung, như bưởi, cam, đu đủ… Như vậy, nếu ăn đủ theo khuyến nghị của tháp dinh dưỡng là 3-4 đơn vị rau củ (tương đương 3-4 lưng bát rau), và 300g quả chín/ngày, sẽ cung cấp đủ nhu cầu vitamin C và các vitamin cùng khoáng chất khác.

“Vitamin liều cao dạng viên sủi (1.000 mg/ngày) nên sử dụng trong thời gian ngắn, khi bị bệnh và theo chỉ định của bác sĩ. Vì nếu sử dụng nhiều hơn nhu cầu khuyến nghị, cơ thể cũng phải đào thải và lâu dài có nguy cơ sỏi thận”, bác sỹ Nhung khuyến cáo.

Dinh dưỡng cho một số đối tượng đặc biệt

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mùa dịch các gia đình cần quan tâm đặc biệt tới chế độ dinh dưỡng dành cho người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ.

Theo đó, đối với người cao tuổi cần đặc biệt lưu ý ăn đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, trứng, lưu ý đến khẩu vị, sở thích để có thể ăn đủ số lượng. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày.

Những người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, Parkinson... cần uống thuốc điều trị bệnh thường xuyên, đầy đủ theo chỉ định của bác sỹ, thực hiện chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sỹ và chuyên gia dinh dưỡng.

Đặc biệt với đối tượng nguy cơ cao như trẻ em và bà mẹ mang thai, ngoài việc dinh dưỡng đầy đủ còn phải tránh yếu tố lây nhiễm, tránh đến nơi đông đúc hoặc tiếp xúc người có nguy cơ cao.

Bổ sung vitamin, dinh dưỡng qua nhiều loại thực phẩm

Đối với trẻ em, cần cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn, đây là biện pháp phòng chống lây nhiễm tốt nhất với trẻ nhỏ. Tiếp tục bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng. Trẻ mẫu giáo và học sinh cần ăn uống điều độ, đủ số lượng nếu trẻ bị biếng ăn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Nên ăn nhiều quả chín, rau xanh, uống nước ngụm nhỏ thường xuyên để giữ ẩm cổ họng, ngăn ngừa sự xâm nhập của virus, vi khuẩn.

Ngoài việc bổ sung dinh dưỡng, chuyên gia khuyến cáo người dân cần thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có chế độ sinh hoạt hợp lý, ăn ngủ đúng giờ và giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ để nâng cao sức khỏe. TS. Nghiêm Nguyệt Thu, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Tiết chế, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho rằng, tập luyện điều độ mỗi ngày để cơ thể được thư giãn, đồng thời tăng hấp thu các chất từ chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao sức khỏe.

Chat zalo