>>> Xem thêm: 5 bài tập chỉ với 10 phút mỗi ngày có ngay cơ bụng 6 múi
Khởi động kỹ
Trước khi tập, bạn hãy khởi động khoảng 10-15 phút với các động tác nhẹ nhàng như xoay cổ, chân, tay, ép dọc, ép ngang, khởi động các khớp… Quá trình này rất cần thiết để giúp các cơ giãn ra và bôi trơn các khớp, giúp chúng dần thích nghi với cường độ tập luyện tăng cao sau đó, nhằm giảm thiểu tối đa chấn thương gặp phải khi tập.
Uống nước trước khi tập
Bạn nên uống khoảng 0,5 lít nước trước khi tập 30 phút để chống mất nước cho cơ thể. Khi tập luyện, không nên hạn chế uống nước nếu thấy khát. Hãy uống nước theo nhu cầu. Sự thiếu nước sẽ dẫn đến rối loạn nước và điện giải trong cơ thể.
Tuyệt đối không uống rượu, bia khi tập. Bởi khi uống rượu, bia tim đập nhanh làm các mạch máu giãn nở nhiều hơn mức bình thường, thành mạch máu trở nên mỏng hơn nên khi có các vận động mạnh sẽ dễ làm đứt các mạch máu.
Thời gian tập
Bạn nên tập vào buổi sáng khoảng 5h đến 8h sáng vì lúc này bụng đang tình trạng "đói" nên dễ dàng cho các động tác bụng hơn.
Bạn cũng có thể tập vào buổi chiều từ 15h đến 18h. Tuy nhiên, trước khi tập bạn không nên ăn no. Bởi nếu luyện tập khi đang no, máu sẽ chuyển từ các cơ quan tiêu hóa sang những cơ bắp đang luyện tập gây cản trở cho việc tiêu hóa. Tốt nhất bạn chỉ nên luyện tập sau khi ăn hai giờ.
Cường độ tập
Nếu bạn mới bắt đầu tập thì nên theo cách tập 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần trong 2 tháng đầu. Nên dành hai ngày để nghỉ cho cơ bụng nghỉ ngơi, giúp cho cơ bụng không bị mỏi do vận động liên tục. Từ 2 - 6 tháng bạn có thể nâng lên thành 45phút/ngày và từ 6-12 tháng là 1h.
Thở đúng cách
Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Hít thở sâu để tăng lượng oxy và giảm lượng oxitcacbon bơm vào các múi cơ. Nhờ vậy bạn có thêm nhiều năng lượng để luyện tập hăng say hơn.